Những điều cần biết khi luyện thi IELTS writing 7.0

 khá phần Writing (Viết), phần thi này giúp họ bộc lộ ưu thế trong cách vận dụng câu từ, ngữ pháp. Nhưng thực tế, với nhiều người, đây lại là thử thách lớn, đặc biệt khi đặt mục tiêu đạt 7.0 Writing. Khó khăn không chỉ đến từ vốn từ vựng, ngữ pháp mà còn nằm ở việc thí sinh chưa nắm được tiêu chí của bài viết IELTS.

Do đó, việc nắm được cấu trúc, yêu cầu phần thi này là bước quan trọng nhằm có cách học hợp lý, hiệu quả, chuẩn bị tốt nhất cho phần thi Writing.

Tổng quan về Writing trong IELTS

Phần thi Writing trong IELTS gồm 2 phần, thời gian làm bài là 60 phút. Phần 1 chiếm 1/3 điểm số, yêu cầu thí sinh mô tả, so sánh một biểu đồ, bản đồ hoặc sơ đồ miêu tả một chu trình nhằm đánh giá khả năng tổng hợp, so sánh thông tin.

Phần thi này gồm 6 dạng chính: Line graph (Biểu đồ đường), Bar chart (Biểu đồ cột), Pie chart (Biểu đồ tròn), Table (Bảng), Map (Bản đồ) và Process and Diagram (Sơ đồ quy trình). Ngoài ra, đề thi có thể yêu cầu miêu tả 2 hay nhiều biểu đồ kết hợp (ví dụ: Biểu đồ tròn và bảng). Số từ tối thiểu cho phần 1 là 150 từ.

Phần 2 chiếm 2/3 điểm số, yêu cầu thí sinh viết một bài văn đưa ra quan điểm, lập luận về một vấn đề nhằm đánh giá khả năng xây dựng luận điểm. Phần thi này gồm 4 dạng chính: Opinion essay (Ý kiến), Discussion essay (Bàn luận), List essay (Liệt kê) và 2-part questions (2 câu hỏi). Số từ tối thiểu cho phần 2 là 250 từ.

Tiêu chí chấm Writing trong IELTS

Giống với Speaking, kỹ năng Writing trong IELTS cũng được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí do Hội đồng thi phát hành: Task Achievement (Đáp ứng yêu cầu đề bài), Lexical Resource (Vốn từ vựng), Grammatical Range & Accuracy (Độ đa dạng và chính xác của cấu trúc câu) và Coherence & Cohesion (Độ mạch lạc). Với mức điểm 7.0 Writing, thí sinh cần thể hiện được sự thành thạo và linh hoạt trong việc sử dụng từ vựng, mẫu câu, cũng như sắp xếp và triển khai ý tưởng tương đối hoàn chỉnh.

Về Task Achievement, các bạn cần trả lời được tất cả yêu cầu của đề bài, đồng thời đưa dẫn chứng – chứng minh cho luận điểm mình đưa ra. Để đạt điểm cao cho tiêu chí này, bạn nên viết đủ số từ tối thiểu yêu cầu, phân tích các vấn đề cụ thể bằng các luận điểm liên kết chặt chẽ và lập dàn ý để tránh thiếu sót trong quá trình viết.

Về Lexical Resource, đây là tiêu chí đánh giá vốn từ vựng và khả năng áp dụng từ vựng vào bài viết của các bạn. Vốn từ vựng càng đa dạng, cách sử dụng từ càng tự nhiên, chính xác, điểm số càng cao. Do đó, các bạn nên thuần thục việc sử dụng các cụm từ kết hợp (collocations) và tránh dùng ngôn ngữ văn nói (informal) để đạt điểm cao cho tiêu chí này.

Về Grammatical Range & Accuracy, các bạn cần kiểm soát được độ đa dạng và chính xác trong ngữ pháp bài viết. Những lỗi về mạo từ, danh từ, động từ và các cấu trúc câu nâng cao như câu phức, mệnh đề quan hệ… rất hay bị bỏ sót nên hãy dành 3-5 phút cuối giờ để kiểm tra lại.

Về Coherence & Cohesion, đây là tiêu chí đánh giá đoạn văn bạn viết “dễ hiểu” đến đâu. Coherence được đánh giá qua việc bạn xây dựng các câu lập luận, ví dụ làm rõ quan điểm. Còn Cohesion là sự liên kết về mặt hình thức, được biểu hiện qua các từ nối (linking words) giữa các phần, câu, đoạn với nhau. Để đạt 7.0+ cho tiêu chí này, các bạn cần sử dụng đa dạng cụm từ nối một cách chính xác, sắp xếp các ý tưởng một cách logic và luyện đề thật nhiều để cải thiện kỹ năng lập luận.

Luyen thi IELTS Writing anh 1
Nguyễn Công Khanh, lớp 12A1, trường THPT Phan Bội Châu, thi đạt 7.5 IELTS và 7.0 Writing.

Một vài lưu ý khi luyện Writing

Đối với những bạn lần đầu biết tới kỹ năng này và muốn tự học ở nhà, việc bắt đầu phân tích và nghiền ngẫm các bài viết mẫu sẽ giúp các bạn dễ hình dung hơn về cấu trúc của từng dạng bài. Từ các bài tiêu chuẩn đó, các bạn sẽ rút ra cách những tiêu chí được áp dụng và vận dụng chúng vào bài viết của chính mình.

Tuy vậy, đây cũng là thử thách lớn với các bạn tự học IELTS vì để tìm ra những quy tắc một cách chính xác,các bạn cần phải có kiến thức nền và kinh nghiệm đọc tài liệu dày dặn – vốn là những kỹ năng mà các thầy/cô dạy IELTS được đào tạo bài bản. Họ sẽ hướng dẫn các bạn “khám phá” những “quy luật” trong các bài viết 7.0+, dẫn dắt học sinh lên ý tưởng và viết bài một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Điều thứ hai không kém phần quan trọng chính là luyện đề. Với Writing, việc viết đi viết lại cùng một đề tài sẽ giúp bạn nhận ra những lỗi sai của bản thân. Song điều này lại tương đối khó khăn với những bạn mới học vì chỉ những người từ band 7.0 trở lên mới đủ khả năng tự nhận dạng lỗi sai của mình. Vì vậy, việc nhờ thầy/cô chữa bài hoặc sử dụng các dịch vụ chấm, chữa bài uy tín là điều cần thiết.

Theo Zing